Trẻ phản xạ tự nhiên và phát âm chuẩn hơn
Bạn có bao giờ tự hỏi trẻ em học ngôn ngữ như thế nào? Vì sao một đứa trẻ 2-3 tuổi không theo trường lớp nào có thể nói thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ như thế? Bạn có tin không nếu Prudential nói rằng các bé chỉ nghe và nói theo như một phản xạ tự nhiên? Thật vậy, theo nghiên cứu của giáo sư Bob Hershberger của Đại học Depauw, do đặc điểm phát triển sinh lý và tâm lý của trẻ nhỏ, trẻ từ 2-6 tuổi có khả năng chủ động bắt chước ngôn ngữ xung quanh từ phát âm cho đến ngữ điệu một cách kì diệu. Vậy nên tiếp xúc với ngoại ngữ từ nhỏ giúp trẻ có được cách phát âm chuẩn cùng phản xạ tự nhiên hơn.
Trẻ có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn
Năm 2004, Tạp chí Nature giới thiệu một nghiên cứu có tính đột phá trong lĩnh vực ngôn ngữ. Nghiên cứu này chỉ ra rằng những trẻ biết ngoại ngữ sớm có mật độ chất xám trong não cao hơn so với những trẻ không được học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, tiến sỹ Ellen Bialystok trong một bài báo năm 2011 cũng khẳng định rằng so với trẻ không học ngoại ngữ, khả năng giải quyết các tình huống đòi hỏi suy luận logic phức tạp của trẻ học ngoại ngữ tốt hơn và nhanh hơn.
Trẻ có thể cải thiện kết quả học tập ở trường
Một số phụ huynh lo ngại cho trẻ học ngoại ngữ sớm có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường vì trẻ phải dành ra thêm một lượng thời gian học nhất định để tiếp thu kiến thức mới và luyện kỹ năng giao tiếp cũng như từ vựng. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về việc học ngoại ngữ của Đại học Maine năm 2007, ngoài phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ, việc học thứ tiếng mới còn giúp hỗ trợ cải thiện việc tiếp thu và tư duy cho các môn học khác ở trường. Các bé thường sẽ có khả năng tiếp thu bài vở tốt hơn, đồng thời phát triển tư duy chính luận, giúp các bé rất nhiều trong các môn lý luận và phân tích.
Trẻ có cơ hội hoàn thiện và làm giàu vốn tiếng mẹ đẻ
Hẳn sẽ có ý kiến cho rằng học hai ngôn ngữ song song sẽ làm trẻ gặp khó khăn trong việc nắm bắt từng ngôn ngữ. Tuy vậy, một nghiên cứu của Đại học Texas (Mỹ) cho thấy học song ngữ không gây xáo trộn giao tiếp cho trẻ và học đơn ngữ cũng chưa hẳn giúp trẻ tránh được vấn đề này. Khi học ngoại ngữ, trẻ được tiếp cận với cách thức diễn đạt và các cấu trúc ngữ pháp mới, dẫn đến các cơ hội để so sánh, đối chiếu và áp dụng trở lại với tiếng Việt. Do đó, trẻ có khuynh hướng diễn đạt tiếng Việt một cách rõ ràng và chính xác hơn.